Bài giảng hiphop
Bài giảng bằng hip hop phải đầu tư nhiều hơn
Chị Nguyễn Phương Linh, giảng viên tiếng AnhFPT Polytechnic, được sinh viên gọi với tên thân thương là "cô Linh Rapper" nhờ cách đưa khéo léo hip hop vào bài giảng để truyền cảm hứng học ngoại ngữ cho sinh viên.
|
Chị Linh cho rằng, cuộc sống là trải nghiệm. Điều quan trọng là không đặt ra giới hạn và khuôn mẫu cho bản thân. |
Thời gian qua, cư dân mạng xôn xao về một clip cô giáo trẻ của FPT Polytechnic đã thực hiện bài giảng của mình bằng "ngôn ngữ" hip hop. Đây là sự sáng tạo của cô Nguyễn Phương Linh, FPT Polytechnic, khi muốn truyền cảm hứng cho sinh viên và giúp các em học tiếng Anh hiệu quả hơn. Cô Linh "Rapper" đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị với Chúng ta về cách thức giảng bài và hiệu quả của phương pháp mới này:
- Từ ý tưởng nào chị lại đưa hip hop vào bài giảng tiếng Anh?
- Theo tôi, hầu hết sinh viên đều nhận thấy việc học tiếng Anh rất cần thiết. Nhưng các em đều chật vật, không biết cách thức làm thế nào để học ngoại ngữ hiệu quả. Khi đó, tiếng Anh trở thành một nỗi sợ thực sự. Việc dùng âm nhạc nói chung hay hip hop nói riêng giúp các em không còn sợ môn ngoại ngữ này nữa và khoảng cách giữa giáo viên và sinh viên được rút ngắn. Thêm nữa, phương pháp mới này giúp cho việc học trở nên thú vị và dễ dàng hơn.
- Để chuẩn bị bài giảng này, chị đã đầu tư thời gian và công sức ra sao so với giáo án thông thường?
- Bài giảng bằng hip hop sẽ khác biệt và cần nhiều đầu tư hơn với giáo án thông thường. Ví dụ bài giảng về động từ bất quy tắc, với phương pháp thông thường, giảng viên chỉ cần đưa các từ để sinh viên học thuộc rồi kiểm tra. Với phương pháp này, tôi phải chuẩn bị nhạc, viết lời và tập vài ba lần cho tự tin.
Nghe thì có vẻ nhiều công đoạn nhưng việc chuẩn bị này rất thú vị. Tôi nghĩ đây cũng là cách tự vượt qua rào cản của bản thân để hoàn thiện mình hơn. Tùy từng bài, thông thường, tôi chuẩn bị mỗi bài giảng trong khoảng 3 tiếng. Cách thức lựa chọn giảng bằng hip hop cũng phải linh hoạt, có những bài đọc hip hop rất hợp, có bài làm nhóm sẽ hiệu quả hơn.
- Chị tham khảo các bài giảng sáng tạo này ở đâu hay tự mình nghĩ ra?
- Việc đưa hip hop vào giảng dạy đến với tôi khá tự nhiên. Trong một lần dạy về động từ bất quy tắc, một vài em sinh viên nhận ra sự trùng âm của các từ, nghe rất vần. Tự nhiên tôi nảy ra ý định có thể kết hợp âm nhạc để giúp các em học nhanh hơn. Vậy là tôi lên mạng để tìm hiểu về cách thức này và phát hiện ra cũng có một vài giáo viên trên thế giới đang thực hiện theo phương pháp này.
- Thầy cô phải có những khả năng như thế nào mới làm tốt được bài giảng bằng hip hop, thưa chị?
- Tôi hát rất tệ và cũng không tham gia trường lớp đào tạo nào về âm nhạc. Tôi nghĩ quan trọng nhất là không tự đặt ra giới hạn và khuôn mẫu cho mình. Bản thân tôi khi hát hay khớp nhạc tất nhiên là sẽ bị vấp. Nhưng điều đó không quá quan trọng vì nếu không vượt qua thì sẽ không bao giờ làm được.
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị trong quá trình giảng dạy tiếng Anh bằng hip hop?
- Có lần, tôi đọc rap xong, mời một em sinh viên lên hát thử. Và bạn sinh viên đó đã hát rất thành công. Cả lớp tự nhiên hát theo. Từ đó đến hết giờ dạy và trong cả cả giờ ra chơi, các em vẫn nhẩm theo bài hát ấy. Biệt danh cô Linh "Rapper" của tôi được sinh viên đặt cho từ đó.
- Chị thấy sự đón nhận của sinh viên với bài giảng và sự tiến bộ của các em thể hiện ra sao?
- Sinh viên rất hào hứng khi thấy cô giáo nhún nhảy rồi hát rap đã làm cho các sinh viên hết buồn ngủ, tập trung và thích thú rất nhiều. Các em không còn sợ tiếng Anh nữa, bỗng nhiên tôi cảm thấy khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên được rút ngắn lại. Sinh viên học dễ thuộc hơn, bài kiểm tra có số điểm cao hơn hẳn nên các em có nhiều niềm tin hơn vào phương pháp này.
- Ngoài việc giảng dạy bằng cách này, chị có những cách thức nào khác để giúp sinh viên học tốt hơn?
- Sinh viên FPT Polytechnic đang học theo chương trình Blended learning và học tiếng Anh qua hip hop cũng là một trong những cách thức đó. Blended Learning cho phép giảng viên được sáng tạo khi giảng dạy.